Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) Commelinids (nhánh Thài lài) |
Bộ(ordo) |
Zingiberales (Gừng) |
Họ(familia) |
Zingiberaceae (Gừng) |
Chi(genus) |
Hedychium |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Hedychium coronarium Koening |
Bạch yến thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 2 mét. Cây có thân rễ mập, ít phân nhánh, bề mặt thân nhẵn tương tự như cây Riềng hay cây Gừng. Lá cây mọc so le, lá không có cuống. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Hoa Bạch yến – Quốc hoa của Cuba
Tên khoa học: Hedychium coronarium Koenig
Tên gọi khác: Ngải tiên, Cỏ tai cọp, Bạch điệp, Bo bo, Sa nhơn.
Họ thực vật: Zingiberaceae (Gừng).
1.1 Đặc điểm thực vật
Bạch yến thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 2 mét. Cây có thân rễ mập, ít phân nhánh, bề mặt thân nhẵn tương tự như cây riềng hay cây gừng.
Lá cây mọc so le, lá không có cuống, phiến lá có dạng hình dải hẹp hoặc hình mũi mác, chiều dài mỗi lá khoảng từ 40 đến 50cm, chiều rộng từ 5 đến 10 cm. Gốc lá thắt lại, đầu lá thuôn nhọn. Mặt trên của lá có màu lục sẫm bóng, mặt dưới có màu nhạt hơn, phủ một lớp lông dễ rụng.
Cụm hoa hình trứng mọc ở ngọn thân, chiều dài mỗi cụm hoa khoảng từ 5-7cm gồm nhiều lá bắc xếp chồng lên nhau. Lá bắc có màu lục ở đầu. Hoa Ngải tiên có màu trắng, mùi rất thơm, đài hình ống, tràng có ống dài hơn đài, 3 cánh, chỉ nhị dài, bầu có lông.
Quả của cây Bạch yến khi chín có màu vàng, hạt của cây có màu đỏ.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 7 đến tháng 10.
Dưới đây là hình ảnh cây Ngải tiên (Bạch yến)
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân rễ và quả.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Hedychium Koenig trên thế giới có gần 50 loài, được tìm thấy chủ yếu ở khu vực cận nhiệt đới của châu Á và vùng Himalaya. Một số loài của chi này được trồng chủ yếu để làm cảnh, trong số đó có cây Bạch yến.
Tại nước ta, chi này có khoảng 10 loài, được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh thành thuộc phía Bắc của nước ta. Bạch yến có nguồn gốc ở phía Nam Trung Quốc và Himalaya. Hiện nay, cây được trồng ở nhiều nơi trên thế giới.
Tại Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở các vùng núi cao như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang,… Cây còn được trồng ở một số khu vực khác như Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, ngoại thành Hà Nội.
Bạch yến là loài ưa ẩm, có thể hơi chịu bóng, thích hợp khi được trồng ở những khu vực có khí hậu thoáng mát, đặc biệt là vùng nhiệt đới núi cao. Bạch yến hoa trắng thường được trồng làm cảnh. Ngoài ra, còn có Bạch yến hoa vàng.
Bạch yến ra hoa quả nhiều hàng năm, có thể trồng bằng nhánh con hoặc bằng thân rễ. Đây là loài tương đối phong phú ở nước ta nhưng ít được chú ý.
2 Thành phần hóa học
Hoa chứa isobutyraldehyde oxime, 2-methyl butyraldehyde oxime.
Lá cây chứa tinh dầu.
3 Cây hoa Ngải tiên (Bạch yến) có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng kháng vi sinh vật
Tinh dầu hoa của cây Bạch yến có tác dụng ức chế sự phát triển của con men trong bia, rượu. Ngoài ra, loại tinh dầu này cũng được chứng minh có tác dụng kháng nấm gây bệnh cho cây và động vật, tuy nhiên tác dụng yếu đối với một số vi khuẩn đem thử nghiệm. Tinh dầu từ cành non và chồi có tác dụng ức chế sự phát triển của sợi nấm Aspergillus flavus khi nghiên cứu ở nồng độ 1000 ppm (phần triệu) và tinh dầu này có tác dụng gây độc cho nấm ở nồng độ 3000 ppm.
3.1.2 Tác dụng đối với động vật thân mềm
Tinh dầu của thân rễ có tác dụng đối với sán lợn Taenia solium.
Cao chiết từ hạt có tác dụng diệt động vật thân mềm Lymnaea cubensis và L. columella và côn trùng trên loại rệp Macrosiphonosae.
3.1.3 Tác dụng lợi niệu và chống tăng huyết áp
Cao chiết bằng cồn 50 độ của lá ở nhiệt độ thấp, đem bay hơi cồn cho thấy tác dụng lợi niệu và tác dụng chống tăng huyết áp khi nghiên cứu trên chuột cống trắng bình thường và chuột cống trắng đã được gây tăng huyết áp.
Cao Bạch yến được chứng minh có tác dụng lợi tiểu mạnh nhất trong số 32 loài được nghiên cứu.
3.1.4 Tác dụng đối với cơ trơn ruột
Khi nghiên cứu trên mô hình ruột mèo tại chỗ, tinh dầu chiết từ thân rễ của cây Bạch yến cho thấy tác dụng ức chế co bóp ruột.
3.1.5 Tác dụng khác
Tinh dầu Eucalyptol trong tinh dầu của lá cây Bạch yến cho thấy tác dụng hạ sốt, kháng khuẩn, chống viêm, giãn phế quản, giảm đau.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Thân rễ và quả của cây Bạch yến có vị cay, tính ấm, mùi thơm có tác dụng ôn trùng, khu phong trừ thấp, tán hàn. Tinh dầu của cây có tác dụng gây trung tiện.
3.2.2 Công dụng
Thân rễ và quả của cây Bạch yến được dùng trong trường hợp lạnh bụng gây đau, bụng đầy chướng, kém tiêu hóa. Thân rễ đem sắc nước rồi súc miệng có tác dụng làm giảm hôi miệng, khi uống có tác dụng chữa cảm sốt, phong thấp, đau người, nhức mỏi gân xương. Thân rễ có thể đem thái mỏng, phơi khô, sắc hay tán bột uống mỗi ngày 6-12g.
Có thể lấy thân rễ tươi giã nát, chắt nước uống, bã đắp chữa rắn cắn hay bị ngã dẫn đến tổn thương.
Thân cây có thể thái nhỏ, sắc sau đó ngậm khi bị viêm lợi, viêm amidan.
Hoa của cây Bạch yến có thể dùng để ăn.
Tinh dầu từ hoa được dùng để làm nước hoa cao cấp.
4 Bài thuốc từ cây Bạch yến
4.1 Chữa đại tràng
Người Dao ở Hà Giang đã sử dụng củ Ngải tiên để chữa viêm đại tràng như sau:
- Củ ngải tiên tươi hoặc khô đem sắc nước uống, thời gian điều trị kéo dài cho đến khi bệnh nhân khỏi bệnh.
4.2 Chữa sốt
Thân rễ cây Bạch yến, thìa lá, hành, các vị dùng lượng bằng nhau, dùng tươi sau đó giã nát và đắp.
5 Một số câu hỏi thường gặp
5.1 Hoa ngải tiên có ý nghĩa gì?
Hoa ngải tiên hay hoa bạch yến có màu trắng, hương thơm đặc biệt tượng trưng cho sự tinh khiết và đầy kiêu hãnh. Những cánh hoa giống như những cánh bướm nhỏ, thể hiện cho nguồn năng lượng tích cực, khởi đầu đầy mạnh mẽ và hướng tới thành công.
5.2 Hoa bạch yến chơi được bao lâu? Có thắp hương được không?
Hoa bạch yến nếu đã nở hết có thể chơi được từ 5-7 ngày tùy thuộc vào cách chăm sóc. Hoa bạch yến có thể được dùng để thắp hương, giúp ban thờ gia tiên thêm uy nghiêm và trang trọng.
5.3 Cách cắm hoa bạch yến
Chuẩn bị:
- Chuẩn bị khoảng 15-20 cành ngải tiên tùy thuộc vào kích thước bình.
- Nước dưỡng hoa, dao, kéo.
Cách thực hiện:
- Cắt bỏ bớt lá trên cành, để khoảng 4-5 lá gần ngọn có hoa.
- Đổ nước vào bình, thêm Dung dịch dưỡng hoa.
- Cắm hoa vào bình và điều chỉnh sao cho hài hòa.
6 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Bạch điệp, trang 141-143. Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2024.