Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) |
Fabales (Đậu) |
Họ(familia) |
Fabaceae (Đậu) |
Chi(genus) |
Canavalia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Canavalia lineata (Thunb.) A. DC. |
Đậu ván dại thuộc dạng dây leo, chiều cao khoảng từ 2 đến 10 mét. Lá có lá chét dai, phiến lá có dạng hình Xoan hoặc hơi tròn tròn, mỗi lá dài khoảng 12cm, rộng 7cm. Gốc lá nhọn, đầu lá tù hoặc nhọn. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Canavalia lineata (Thunb.) A. DC.
Tên gọi khác: Đậu mèo, Tầm phông, Đậu cộ.
Họ thực vật: Fabaceae (Đậu).
1.1 Đặc điểm thực vật
Đậu ván dại thuộc dạng dây leo, chiều cao khoảng từ 2 đến 10 mét. Lá có lá chét dai, phiến lá có dạng hình xoan hoặc hơi tròn tròn, mỗi lá dài khoảng 12cm, rộng 7cm. Gốc lá nhọn, đầu lá tù hoặc nhọn, bề mặt lá nhẵn. Những gân bên có 5-7 đôi, cuống lá dài khoảng 7cm, cuống phụ 5mm, lá kèm có kích thước nhỏ.
Chùm hoa dài 7cm mọc trên một cuống dài 8cm, cuống hoa 3mm, đài có ống cao 12mm, có hai môi.
Quả dạng đậu thuôn, dài 14cm, rộng 4cm, phình và nở chậm. Hạt thuôn có màu đỏ sẫm, chiều dài hạt khoảng 2cm, chiều rộng 1,4cm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hoa và hạt.
1.3 Đặc điểm phân bố
Đậu ván dại được tìm thấy ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Việt Nam. Tại nước ta, cây phân bố ở khu vực Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Long An.
Cây thường mọc trên các bãi cát dọc các sông, rạch, trong các bụi rẫm.
2 Thành phần hóa học
Cấu trúc hóa học của các hợp chất 1-13 được phân lập từ cây Đậu ván dại bao gồm:
- Rutin (1).
- (2R,3R)-3-hydroxy-7-OD-glucopyranoside-6-methoxy-flavanone (2).
- (-)-syringaresinol-4-O-β-Dglucopyranoside (3).
- Ononin (4).
- Syringaresinol (5).
- (2R,3R)-3,7′-dihydroxy-6-methoxy-flavanone (6).
- Cajanin (7).
- Medicarpin (8).
- Prunetin (9).
- 7,4′-dimethyl-3′-hydroxygenistein (10).
- 7,4′-dimethoxyisoflavone (11).
- Pterocarpin (12).
- Homopterocarpin (13).
3 Tác dụng của cây Đậu ván dại
3.1 Tác dụng dược lý
Mười ba hợp chất được phân lập từ quả Canavalia lineata và các hoạt động ức chế của chúng đối với monoamine oxidase-A (hMAO-A) và -B (hMAO-B) của con người đã được đánh giá. Trong số đó, hợp chất medicarpin và homopterocarpin có thể được coi là chất ức chế hMAO-B có thể đảo ngược mạnh để sử dụng trong điều trị các rối loạn thần kinh. Trong nghiên cứu độc tính tế bào, hợp chất medicarpin và homopterocarpin không gây độc đối với tế bào bình thường, tế bào ung thư nhưng có độc tính vừa phải đối với tế bào nguyên bào thần kinh.
Dẫn chất isoflavonoid cajanin được chiết xuất từ quả của cây Đậu ván dại đã được chứng minh có tác dụng chống viêm mạnh nhất trong số các hợp chất phân lập được. Đây có thể được coi là tác nhân tiềm năng trong điều trị các bệnh viêm nhiễm.
3.2 Công dụng
Hoa và quả non của cây đều ăn được. Nhân dân Singapore còn trồng cây Đậu ván dại để làm rau ăn.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Đậu cự, trang 888. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Jong Min Oh và cộng sự (Ngày đăng tháng 12 năm 2022). Medicarpin and Homopterocarpin Isolated from Canavalia lineata as Potent and Competitive Reversible Inhibitors of Human Monoamine Oxidase-B, PubMed. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Su-Jin Hong và cộng sự (Ngày đăng 22 tháng 8 năm 2022). Anti-Inflammatory Activity of Cajanin, an Isoflavonoid Derivative Isolated from Canavalia lineata Pods, PubMed. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2024.