Cơi (Lá Cơi – Pterocarya tonkinensis)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Fagales (Cử)

Họ(familia)

Juglandaceae (Óc chó)

Chi(genus)

Pterocarya

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Pterocarya tonkinensis (Franch.) Dode

Cơi (Lá Cơi - Pterocarya tonkinensis)

Cơi thuộc dạng cây nhỡ, chiều cao từ 5 đến 10 mét. Nhân dân thường sử dụng lá Cơi để chữa ghẻ lở, hắc lào, nước ăn chân, rễ và vỏ rễ của cây dùng làm thuốc để chữa bỏng. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Cơi.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Pterocarya tonkinensis (Franch.) Dode

Tên gọi khác: Lá cơi, Ngón.

Họ thực vật: Óc chó Juglandaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Cơi thuộc dạng cây nhỡ
Cơi thuộc dạng cây nhỡ

Cơi thuộc dạng cây nhỡ, chiều cao từ 5 đến 10 mét.

Cành cây có màu nâu, khi còn non có lông, sau nhẵn.

Lá Cơi thuộc dạng lá kép lông chim chẵn, lá cây mọc so le, gốc lá tròn hoặc hơi lệch. Đầu lá nhọn, phiến lá có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng. Mép lá khía răng cưa, lá chét to dần. Mặt trên lá nhẵn, mặt dưới lá có lông.

Hoa đực và hoa cái tạo thành hình đuôi sóc, mọc ở kẽ lá, mỗi cụm hoa gồm nhiều hoa mọc sát nhau. Hoa đực có 5-6 phiến, hoa cái có bao hoa ngắn.

Quả xếp với nhau tạo thành bông mọc thõng xuống, có chiều dài lên đến 40cm hoặc hơn.

Mùa hoa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 7.

1.2 Thu hái và chế biến

Quả của cây Cơi
Quả của cây Cơi

Bộ phận dùng: Lá và ngọn.

Thời điểm thu hái: Thường vào mùa xuân hoặc có thể thu hái quanh năm.

Chế biến: Dùng tươi.

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Pterocarya Kunth trên thế giới có khoảng 6 loài nhưng thường chỉ phân bố ở Châu Á như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Lào, Việt Nam.

Tại nước ta, cây thường được tìm thấy ở một số tỉnh thuộc miền núi phía Bắc như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lai Châu, Phú Thọ, Tuyên Quang,…với độ cao phân bố rơi vào khoảng 50 đến 1000 mét. Cơi cũng được tìm thấy ở một số tỉnh của Lào, đây được coi là loài cây đặc hữu của Bắc Việt Nam.

Cơi là loài thường mọc ở các bờ sông suối hoặc các vùng núi, thích hợp trồng được trên nhiều loại đất, cây thường rụng lá vào màu đông, ra hoa vào cuối mùa xuân. Cây ra hoa quả nhiều theo năm. Quả có cánh do đó có thể phát tán được nhờ gió.

Cơi có thể tái sinh được từ những chồi sau khi chặt.

Hình ảnh lá cây
Hình ảnh lá cây

2 Thành phần hóa học

Lá và rễ của cây có chứa:

  • Tanin.
  • Juglon.
  • Quinon.

3 Tác dụng – Công dụng của cây cơi

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Tác dụng kháng khuẩn

Nước sắc từ lá của cây Cơi có tác dụng đối với một số chủng như Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus.

3.1.2 Độc tính

Lá cơi độc với cá, đặc biệt là rất độc với chuột.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

Lá có thể đem giã nát để làm duốc cá
Lá có thể đem giã nát để làm duốc cá

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị của lá: Đắng, tính hàn có tác dụng lợi thủy, sát khuẩn, giải độc, trừ sâu.

Tính vị của vỏ cây, vỏ cành: Cay, tính rất nóng có tác dụng giải độc, sát trùng.

Tính vị của rễ và vỏ rễ: Cay, tê, đắng, có độc.

3.2.2 Công dụng

Lá Cơi sau khi vò bôi vào vùng ghẻ lở, hắc lào, ngứa, nấm kẽ chân để chữa bệnh. Có thể sử dụng lá Cơi nấu nước tắm, rửa hoặc nấu thành cao để bôi, mỗi ngày bôi 2 lần.

Lá có thể đem giã nát để làm duốc cá.

Cơi còn được sử dụng để làm thuốc diệt ốc nang và vật chủ ký sinh của sán máng, bọ gậy bằng cách sử dụng 300kg lá cho một mẫu, đổ xuống ruộng.

Vỏ thân, vỏ cành chữa đau răng, sâu răng bằng cách sử dụng 2-4g, đập nát, nhét vào chỗ răng bị đau hoặc sắc lấy nước ngậm sau đó nhổ đi, không được uống do thuốc có độc.

Rễ và vỏ rễ đem sắc lấy nước đặc để chữa bỏng, vết thương ngoài da.

4 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích (Xuất bản năm 2006). Cơi, trang 537-538, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2024.

Để lại một bình luận