Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) Commelinids (nhánh Thài lài) |
Bộ(ordo) |
Poales (Lúa) |
Họ(familia) |
Poaceae (Lúa) |
Chi(genus) |
Lophatherum |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Lophatherum gracile Brongn. |
|
Danh pháp đồng nghĩa | |
Lophatherum elatum Zoll. |
Cỏ lá tre thuộc dạng cây thảo, sống lâu năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 0,3 đến 0,6 mét, một số cây cao hơn. Rễ cây phình thành củ, có dạng hình chùm. Thân cây mọc đứng, tạo thành từng khóm. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cỏ lá tre còn gọi là gì?
Tên khoa học: Lophatherum gracile Brongn.
Tên đồng nghĩa: Lophatherum elatum Zoll.
Tên gọi khác: Đạm trúc diệp, Cỏ lông lợn, Cỏ lá gừng.
Họ thực vật: Poaceae (Lúa).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cỏ lá tre thuộc dạng cây thảo, sống lâu năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 0,3 đến 0,6 mét, một số cây cao hơn.
Rễ cây phình thành củ, có dạng hình chùm. Thân cây mọc đứng, các thân mọc cùng với nhau tạo thành từng bụi, có những gióng thân rất dài.
Lá cây mọc so le, phiến lá mềm có dạng hình bầu dục hoặc hình mác, gần giống như lá tre, gốc lá tròn hoặc hình nêm, đầu thuôn nhọn, mặt trên có phủ một ít lông, mặt dưới của lá nhẵn, mép lá nguyên, gân có dạng hình cung, lá không có cuống hoặc cuống rất ngắn.
Cụm hoa mọc thành chùy bông ở ngọn thân, bông nhỏ, có dạng hình mũi mác, mang hoa lưỡng tính, có 2-3 nhị.
Quả dạng hình thoi.
Mùa hoa quả từ tháng 4 đến tháng 8.
Dưới đây là hình ảnh cây Cỏ lá tre:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ củ và toàn cây.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.
1.3 Cỏ lá tre mọc ở đâu?
Cỏ lá tre thường mọc ở những vùng núi, có độ cao dưới 1500 mét, cây thường mọc ở ven đường, nương rẫy hoặc các lùm bụi ở vùng trung du.
Cỏ lá tre là loài ưa ẩm, sinh trưởng và phát triển tốt ở những khu vực có đất màu mỡ, cây ra hoa quả hàng năm. Những cây mọc lên từ chồi gốc theo thời gian sẽ tạo thành những khóm nhỏ. Khả năng cạnh tranh của cây với các loài cỏ khác thường kém hơn.
2 Thành phần hóa học
Cỏ lá tre chứa:
- Acid hữu cơ.
- Arundoin.
- Đường.
- Cylindrin.
3 Cỏ lá tre có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng hạ sốt
Khi tiến hành thử nghiệm trên chuột cống trắng được gây sốt bằng cách tiêm dưới da hỗn dịch men bia. Cho chuột uống cao chiết nước từ cỏ lá tre với liều lượng là 1-2g/kg thể trọng tính theo dược liệu khô đã thấy tác dụng hạ sốt. Nhưng cao chiết cồn lại không cho thấy tác dụng này. Do đó, sơ bộ kết luận rằng, chất gây hạ sốt tan trong nước nhưng ít tan trong cồn.
Khi tiến hành thí nghiệm kiểm tra tác dụng hạ sốt của cỏ lá tre đối với mèo hoặc thỏ khi gây sốt bằng cách tiêm dưới da hỗn dịch trực khuẩn Escherichia coli, người ta nhận thấy rằng, cao chiết nước ở liều 2g/kg tính theo dược liệu khô cho thấy tác dụng hạ sốt tương đương liều 3mg/kg thể trọng.
3.2 Tác dụng lợi tiểu
Khi nghiên cứu tác dụng hạ sốt trên mèo và thỏ thì các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, cao nước của Cỏ lá tre có tác dụng lợi tiểu rõ rệt.
3.3 Độc tính cấp
Khi tiến hành thử nghiệm trên chuột nhắt trắng dùng đường uống, liều LD50 là 64,5g/kg.
4 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.1 Tính vị, tác dụng
Cỏ lá tre có vị ngọt, nhạt, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, trừ phiền nhiệt, lợi tiểu.
4.2 Công dụng
Cỏ lá tre được dùng để chữa sốt, tâm phiền, khát nước, trẻ em sốt cao, viêm đường tiết niệu, co giật, đái ít, đái máu, nước tiểu đỏ, viêm họng, sưng tuyến nước bọt với liều từ 10 đến 15g dưới dạng thuốc sắc.
Thuốc dễ gây sảy thai, đàn bà dùng nhiều có thể gây đẻ non.
5 Một số cách trị bệnh từ cây Cỏ lá tre
5.1 Chữa sốt, khát nước
30g Cỏ lá tre.
15g Sắn dây.
Có thể phối hợp cùng 12g bột thạch cao.
Các vị đem sắc nước uống, chia làm 3 lần uống trong ngày.
5.2 Chữa viêm miệng, nước tiểu ít
12g Cỏ lá tre.
20g Sinh Địa (không đồ chín).
6g Cam Thảo.
Các vị đem sắc nước uống.
5.3 Chữa bí đái, đái ra máu
15g Cỏ lá tre.
15g rễ Cỏ tranh.
Các vị đem sắc nước uống.
6 Một số câu hỏi thường gặp
6.1 1 bao cỏ lá tre trồng được bao nhiêu m2?
Khi trồng cỏ lá tre theo phương pháp trồng cấy thì mỗi bao cỏ lá tre có thể trồng được khoảng 4 đến 5 mét vuông tùy thuộc vào việc trồng dày hay trồng thưa.
6.2 Giá cỏ lá tre là bao nhiêu?
Giá cỏ lá tre có thể dao động khoảng vài chục nghìn đồng 1 m2, bạn đọc nên mua hàng ở những địa chỉ uy tín để có được giống cỏ đẹp, đều màu, có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt.
6.3 Mua hạt giống cỏ lá tre ở đâu?
Bạn có thể mua hạt giống ở những nhà vườn hoặc sàn thương mại điện tử, tuy nhiên, để tối ưu năng suất và tiết kiệm thời gian, bạn có thể mua cỏ lá tre đã trồng sẵn để thuận tiện chăm sóc.
6.4 Phân biệt cỏ lá gừng và cỏ lá tre
Cỏ lá Gừng là tên gọi khác của cỏ lá tre mà nhiều nhà vườn sử dụng.
7 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Cỏ lá tre, trang 485-486. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Đạm Trúc Diệp trang 625-626. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2024.