Chùm Bao Lớn (Đại Phong Tử – Hydnocarpus anthelmintica Pierre)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Malpighiales (Sơ ri)

Họ(familia)

Flacourtiaceae (Mùng quân)

Chi(genus)

Hydnocarpus

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Hydnocarpus anthelmintica Pierre

Chùm Bao Lớn (Đại Phong Tử - Hydnocarpus anthelmintica Pierre)

Chùm bao lớn thuộc dạng cây to, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 10 mét. Thân cây thẳng, cành cây có màu đen và phủ một lớp mốc trắng. Lá cây mọc so le, phiến lá có chiều dài khoảng từ 10 đến 30cm. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Đại phong tử có tên khoa học: Hydnocarpus anthelmintica Pierre

Tên gọi khác: Đại phong tử, Lọ nồi.

Họ thực vật: Flacourtiaceae (Mùng quân).

1.1 Đặc điểm thực vật

Đại phong tử thuộc dạng cây to, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 10 mét. Thân cây thẳng, cành cây có màu đen và phủ một lớp mốc trắng.

Lá cây mọc so le, phiến lá có chiều dài khoảng từ 10 đến 30cm, rộng khoảng 3 đến 7 cm, có dạng hình mác thuôn, gốc lá hơi tròn, đầu tù hơi nhọn, lá khi còn non thì mềm, mỏng, màu hồng, những lá già thì dai, có màu xanh sẫm bóng. Mép lá nguyên, gân bên tạo thành một mạng lưới rất rõ, đặc biệt là ở mặt dưới.

Cụm hoa mọc ở kẽ là thành chùm, mỗi chùm gồm vài bông hoa có màu hồng, đơn tính cùng gốc, 5 lá đài, 5 cánh hoa rời nhau, nhị 5, bầu thượng.

Quả có dạng hình cầu, kích thước to bằng nắm tay, vỏ quả cứng, có màu đen, gồm nhiều hạt có dạng hình khối, cạnh ép sát vào nhau.

Hạt to, có vỏ cứng.

Mùa hoa từ tháng 4 đến tháng 6, mùa quả từ tháng 7 đến tháng 11.

Dưới đây là hình ảnh cây Chùm bao lớn:

Chùm bao lớn
Chùm bao lớn

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Hạt.

Thời điểm thu hái: Khi quả chín, thường từ tháng 8 đến tháng 11.

Chế biến: Quả sau khi thu hái về đem đập bỏ vỏ, xát bỏ lớp áo ngoài để thu lấy hạt, rửa sạch sau đó phơi khô. Dầu hạt có thể được dùng bằng cách ép hoặc chiết bằng dung môi, dầu hạt của cây Chùm bao còn được gọi là dầu Đại phong tử.

1.3 Đặc điểm phân bố

Trên thế giới, Đại phong tử thường được tìm thấy chủ yếu ở một số nước nhiệt đới của châu Á như Lào, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam.

Tại nước ta, Chùm bao lớn thường mọc rải rác ở một số tỉnh miền núi, đặc biệt là khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Tây Nguyên.

Cây thường mọc ở những khu rừng kín thường xanh, có nền đất ẩm, độ cao phân bố từ 100 đến 500 mét, một số cây có thể phân bố ở độ cao lên đến 700 mét.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Chùm bao lớn thường được trồng để làm cảnh để lấy bóng mát.

Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, có thể nhân giống bằng hạt.

Chùm bao lớn còn được gọi là Đại phong tử
Chùm bao lớn còn được gọi là Đại phong tử

2 Thành phần hóa học

Dầu hạt của cây Chùm bao lớn có hàm lượng khoảng 40 đến 55% với thành phần chủ yếu là các glycerid của acid chaulmoogric, acid hydnocarpic và một lượng nhỏ glycerid của acid palmitic.

Dầu hạt có màu vàng nâu, mùi đặc biệt, khi nhiệt độ dưới 25 độ C thì dầu hạt sẽ đặc lại tạo thành một khối mềm màu trắng, có khả năng tan trong các dung môi hữu cơ, ít tan trong cồn lạnh, tan hoàn toàn trong cồn sôi.

Dầu chaulmoogra hoặc hỗn hợp hai acid chaulmoogric và acid hydrocarpic được dùng để chữa bệnh phong.

Hạt tươi có men thủy phân và 1 glucosid sau khi thủy phân tạo thành Glucose và acid cyanhydric do đó khô dầu của hạt không dùng để làm thức ăn cho súc vật vì có thể gây độc.

3 Tác dụng của cây Chùm bao lớn

3.1 Tác dụng dược lý

Dầu hạt và các dẫn chất từ dầu hạt có tác dụng ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn chịu acid như vi khuẩn lao, vi khuẩn hủi.

Thành phần có tác dụng kháng khuẩn này chủ yếu là các acid hydnocarpic, acid gorlic , acid chaulmoogric.

Dầu hạt có tác dụng kích thích, khi sử dụng theo đường uống có thể gây nôn mửa, khi dùng ở đường tiêm bắp thịt hoặc tiêm dưới da sẽ gây tình trạng đau đớn, một số trường hợp gây hoại tử.

Dầu hạt Chùm bao lớn trong quá trình bảo quản thường gây mùi và gây kích thích mạnh khi tiêm. Do đó, trong quá trình bảo quản thường thêm creosot hoặc hydroquinon để đảm bảo chất lượng.

Dầu chiết từ hạt khi thử nghiệm trên ống nghiệm cho thấy tác dụng ức chế một số loại nấm gây bệnh ngoài da.

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Chùm bao lớn có vị cay, tính nóng, có độc, quy vào các kinh Can, Tỳ, Thận có tác dụng trừ thấp, khư phong, sát trùng, công độc.

3.2.2 Cách sử dụng cây Chùm bao lớn

Trước đây, hạt của cây Chùm bao lớn thường được sử dụng để chữa bệnh hủi, sau đó chuyển sang dùng dầu hạt. Gần đây, các nhà khoa học cho rằng, các dẫn chất của acid béo từ dầu hạt cho thấy tác dụng điều trị tốt hơn. Để điều trị hủi, người ta dùng dầu hạt dưới dạng giọt đã được nhũ hóa vào trong một ít sữa hoặc cho vào nang, thời gian đầu điều trị thì dùng 10 giọt sau đó tăng dần lên đến 100, 200 hoặc 300 giọt một ngày, bệnh nhân sẽ đáp ứng dần với thuốc, tăng khả năng dung nạp.

Y học dân gian sử dụng hạt của cây Chùm bao lớn kết hợp cùng với một số vị thuốc khác để điều trị các bệnh lý ngoài da. Người ta còn tiến hành thí nghiệm về tác dụng của hạt Chùm bao lớn với một số bệnh lý như bại liệt, đau mắt hột, lao.

Nhân dân Thái Lan sử dụng hạt của cây để làm thuốc trị giun sán.

3.3 Tác dụng phụ của cây Chùm bao lớn

Chú ý: Dầu hạt và các dẫn chất của dầu hạt đều được chứng minh có độc. Một số bệnh nhân sau khi dùng thuốc có thể xuất hiện tình trạng đau đầu, chán ăn, mất ngủ, mệt mỏi, choáng váng. Do đó, trong quá trình điều trị bệnh hủi, các dẫn chất này dần được thay thế bởi các sulphon với ưu điểm có độ hiệu quả cao, ít tác dụng phụ.

4 Cây Chùm bao lớn uống trị bệnh gì?

Đại phong tử dùng để chữa bệnh hủi
Đại phong tử dùng để chữa bệnh hủi

4.1 Chữa ghẻ, lở loét do giang mai

10h hạt của cây Chùm bao lớn đã thiêu tồn tính.

0,5g Khinh phấn.

Giã nhỏ hạt với Khinh Phấn, thêm Dầu Vừng tạo thành thuốc mỡ để bôi.

4.2 Chữa lở loét, hủi

20g hạt Chùm bao lớn.

120g Khổ sâm.

Các vị tán thành bột, thêm rượu, trộn cùng hồ tạo viên có kích thước bằng hạt đậu xanh.

Mỗi lần dùng 8g, ngày uống 2 lần.

4.3 Chữa chứng mũi đỏ

30g nhân hạt Chùm bao lớn.

10g Mộc miết tử.

1,5g Khinh phấn.

Các vị đem tán thành bột mịn.

Vào buổi tối, pha bột cùng với nước đun sôi để nguội sau đó bôi lên mũi.

5 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Chùm bao lớn, trang 455-457. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2024.

Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Chùm bao lớn, trang 459-460. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2024.

Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Đại Phong Tử trang 126 – 129. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2024.

Để lại một bình luận