Chỉ xác là quả được thu hái khi gần chín (quả bánh tẻ) của cây Cam Chua, thường được dùng trong các bài thuốc chữa đầy hơi, đau bụng, tiêu hóa kém; theo y học hiện đại có tác dụng kích thích co cơ, cải thiện tim mạch, thần kinh,…. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về loại dược liệu Chỉ xác.
1 Tổng quan về Chỉ xác
1.1 Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Chỉ xác
Tên gọi khác: Nô lệ; Thương xác; Đổng đình nô lệ; Xuyên chỉ xác; Đường Quất, Trái già của trấp,..
Tên khoa học: Fructus citri Aurantii (Citrus hystrix DC)
Họ: Rutaceae (Cam)
1.2 Mô tả đặc điểm dược liệu
Chỉ thực, Chỉ xác là thịt quả sau khi sấy hoặc phơi khô của quả Cam chua. Tuy nhiên Chỉ thực được lấy khi quả còn non, xanh còn Chỉ xác là Cam được hái vào lúc gần chín, vì quả to nên thường sẽ bổ đôi sau đó mới sấy/ phơi khô. Chỉ xác thường có kích thước lớn hơn so với Chỉ thực.
Thường Chỉ xác có hình bán cầu, tuy nhiên 1 số vẫn có hình cầu, đường kính trung bình khoảng 0,5 – 2,5 cm. Sau khi phơi khô, vỏ có màu xanh đen hoặc xanh nâu thẫm với nhiều điểm lỗ hình hạt, vết cuống hoặc vết sẹo từ vòi nhụy. Khi quan sát mặt cắ thấy vỏ quả hơi phồng lên ở giữa, màu trắng vàng hoặc nâu vàng, độ dày từ 0,3-1,2 cm, ở phần ngoài có chứa 1-2 hàng túi tinh dầu. Phần vỏ bên trong và múi quả có màu nâu cánh gián.
Chỉ là tên cây, xác là vỏ. Cam chín sau khi phơi thường các múi quắt lại chỉ còn vỏ với xơ nên được gọi là Chỉ Xác.
Trong tài liệu Dược liệu của Trung Quốc, Chỉ thực và Chỉ xác có thể lấy từ rất nhiều loại cây khác nhau, chủ yếu có thể kể đến:
-
Foncirus trifolia Raf. (Chỉ hay cáu kết).
-
Cirus wilsonii Tanaka (Hương viên).
-
Citrus aurantium L. (Toàn đăng, câu đầu đăng, bì đầu đăng.)
-
Citrus aurantium L var amara Engl. (Đại đại hoa).
Ở Việt Nam, các cây thuộc họ Cam quýt cũng được trồng và thu hái rấy nhiều, tuy nhiên việc xác định tên khoa học của từng loại vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay biết đến nhiều nhất vẫn là cây chấp (Carar hystric D.C).
1.3 Phân bố, thu hái, chế biến
Các cây họ Cam quýt cho chỉ xác thường mọc hoang và tập trung nhiều ở khu vực miền Bắc và miền Nam nước ta. Trước đây việc thu mua được tiến hành ở nhiều tỉnh, tuy nhiên từ năm 1992 đến nay, chỉ tập trung tại các địa phương cho năng suất cao như Hà Tĩnh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa,….
Để có chỉ xác, quả gần chín được thu hái vào khoảng giữa tháng 7- tháng 8, mang về sửa sạch, quả to bổ đôi rồi sau đó tiến hành phơi hay sấy khô.
Chế biến:
Chỉ Xác phiến: Sau khi thu hái mang về loại bỏ tạp, rửa sạch bụi đất, đem ủ mềm, loại bỏ đi ruột quả, hột, sau đó thái lát và đem phơi hoặc sấy khô. Lát thái hình có thể hình dải hoặc hình cung không đều, chiều dài 5 cm, chiều rộng xấp xỉ 1,3 cm.
Chỉ xác sao cám: Trước tiên cho cám vào chảo, đến khi thấy có khói bốc lên thì cho Chỉ xác phiến vào sao cùng, đến khi có màu vàng thẫm là được. Sàng để loại bỏ hết cám, cứ 1 kg cám sao cùng 10 kg chỉ xác.
2 Thành phần hóa học
Trong thành phần của Chỉ xác có chứa nhiều hoạt chất sinh học, trong đó chủ yếu là thành phần tinh dầu, ngoài ra còn có chứa các alcoloid, Saponin, glucozit,..
Khi chưng chất phân đoạn tinh dầu xác định được sự có mặt của hơn 20 hợp chất, trong đó 5 thành phần chính bao gồm β-citronellal L-linalool, β-citronellol , citronelyl axetat và sabinen.
3 Tác dụng Chỉ xác
3.1 Công dụng của vị thuốc Chỉ xác
Tính vị, quy kinh: theo Đông y, Chỉ xác và Chỉ thực đều là các vị thuốc có vị đắng, hơi chua, tính hơi hàn, quy vào hai kinh tỳ và vị.
Công dụng:
-
Phá trệ khí, táo thấp, tiêu đờm, tiêu thực, thư trường vị.
-
Hành trí trệ, làm loãng đờm, dẫn khí ra ngoài qua đại tiện.
-
Khai kiên kết, tả vị thực, tiêu đờm trích, thông tiện bí, khứ đình thủy, phá kết hung.
-
Phá khí, trừ bỉ tích, hành khí trệ.
Chủ trị: Chỉ xác và chỉ thực thường được dùng để trị các chứng bệnh như thần kinh dễ bị kích thích, mất ngủ, đau đầu và đau nửa đầu, ngủ trằn trọc, động kinh, đánh trống ngực, tiêu hóa kém, đầy hơi, nuối hơi, tích trệ, ho đờm, tiểu tiện khó,…
3.2 Tác dụng dược lý
3.2.1 Tác dụng trên tim mạch
Thành phần chính trong chỉ xác là Neohesperidin, có tác dụng co mạch, tăng sức cản ngoại vi do đó làm tăng huyết áp mà không làm thay đổi nhịp tim.
Trên tim, dịch chiết dược liệu giúp tăng cung lượng tim, tăng sức co bóp cơ tim, đồng thời tăng lưu lượng máu đổ đến động mạch vành, não và thận, giảm lưu lượng máu tại động mạch đùi.
3.2.2 Tác dụng trên hệ tiêu hóa
Chỉ xác có tác dụng ức chế cơ trơn ruột cô lập, đã được chứng minh trên chuột nhắt, chuột lang và thỏ thí nghiệm,
Ngoài ra, Chỉ xác còn được chứng minh đồng thời làm giảm trương lực cơ trơn, chống co thắt và tăng nhu động của ruột.
3.2.3 Tác dụng với tử cung
Chỉ xác đem sắc nước có tác dụng gây hưng phấn rõ rệt trên tử cung thỏ bất kể có thai hay không do đó được sử dụng để cải thiện tình trạng sa tử cung trên lâm sàng.
Khi adrenalin cũng có tác dụng ức chế, nhưng thời khoảng tác dụng ngắn, còn chỉ thực, chỉ xác thì tác dụng kéo dài.
3.2.4 Các tác dụng khác
Khi thử nghiệm trên chó đã gây mê, thấy huyết áp của chó tăng lên, trong khi đó dung tích thận và dung lượng nước tiểu đều giảm đi.
Vỏ quả được chứng minh có tác dụng làm tăng độ acid trong dịch vị.
4 Các bài thuốc có chứa Chỉ Xác
4.1 Chữa động kinh, co giật, nghẹn đờm, nôn mửa ở trẻ nhỏ
Lấy 120 gram chỉ xác sao cám cùng với 120 gram đậu khấu sau khi rửa sạch, để ráo nước, tán thành bột mịn.
Mỗi lần dùng 4 gram với bệnh nhẹ, 8 gram nếu tình trạng bệnh nặng, hòa trong khoảng 100 – 200ml nước sôi.
Dùng ngay khi nước còn ấm, 2 lần mỗi ngày. Trường hợp cấp kinh phong, thêm vào 4 gram Bạc Hà đã rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt để uống chung.
Mạn kinh phong: 4 gram Kinh Giới, nấu rồi uống với 3 – 5 giọt rượu. Uống 3 lần mỗi ngày đều đặn cho tới khi triệu chứng thuyên giảm.
4.2 Chữa đau nhức răng
Ngâm chỉ xác với rượu trong 2 ngày trong bình kín sau đó lấy 50ml rượu thuốc để súc miệng, 2 lần mỗi ngày.
Súc miệng đều đặn cho tới khi các cơn đau nhức răng giảm dần và khỏi hẳn.
4.3 Thuận khí, cầm lỵ
Chỉ xác 96 gram, sao qua với lửa nhỏ. Cam Thảo 24 gram, rửa trong nước muối pha loãng, thái lát, phơi khô.
Trộn 2 dược liệu sau đó tán thành bột mịn. Hòa tan 8 gram bột trong khoảng 250ml nước sôi. Ngày dùng từ 1 – 2 lần và uống trong 3 ngày.
4.4 Chữa chứng khó tiêu ở trẻ nhỏ
Chỉ xác: 4 gam, bỏ múi, nướng trên bếp than đến khi có mùi thơm.Cam thảo 4 gam, rửa sạch với nước muối lát, sau đó thái lát rồi đem phơi khô.
Sắc cùng 400ml nước lọc, thời gian sắc khoảng 20 phút.
Uống mỗi ngày uống 1 lần, liên tục trong vòng 4 ngày hoặc tới khi bệnh tình cải thiện.
4.5 Chữa lở loét, sưng đau
Lấy 7 quả chỉ xác, nướng trên bếp cho tới khi ngửi thấy quả có mùi thơm. Chỉ xác sau khi nướng mang bọc trong 1 miếng vải mềm, chườm nóng lên các vị trí bị lở kèm đau sưng, giữ nguyên trong vòng 60 phút.
Chỉ xác nguội có thể nướng lại và dùng lần nữa. Mỗi ngày sử dụng 1 lần, sử dụng đêù đặn 3 – 5 ngày.
4.6 Chữa đau bụng khi có thai
120 gram chỉ xác sao cám tán cùng 40 gram Hoàng Cầm đã rửa sạch, phơi khô.
Bột mịn hỗn hợp dược liệu đem bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát. Khi dùng lấy 20 gram sắc cùng với một chén rưỡi nước lọc.
Nếu có phù bụng căng, bạn sử dụng thêm 40 gram Bạch Truật. Áp dụng bài thuốc trong 3 ngày.
5 Tài liệu tham khảo
1. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2006). Chỉ thực trang 363-365. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2023.
2. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam (Xuất bản năm 2006). Chỉ xác trang 432-435 (I). Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2023.
3. Warsito Warsito và cộng sự (Ngày đăng: ngày 21 tháng 6 năm 2017). Profiling study of the major and minor components of kaffir lime oil ( Citrus hystrix DC.) in the fractional distillation process, PMC. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2023.