Cà Trời (Cà Vú – Solanum mammosum L.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Solanales (Cà)

Họ(familia)

Solanaceae (Cà)

Chi(genus)

Solanum (Cà)

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Solanum mammosum L.

Cà Trời (Cà Vú - Solanum mammosum L.)

Cây Cà Trời có tên khoa học là Solanum mammosum L. Đây là loại cây được nhân dân trồng làm cảnh vì quả có màu vàng đẹp mắt, ngoài ra cây cũng được dùng để diệt côn trùng. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Cà Trời

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Solanum mammosum L.

Tên gọi khác: Cà Vú, Đào Tiên.

Họ thực vật: Cà Solanaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Hình ảnh quả của cây Cà Trời
Nhãn

Cà Trời thuộc loại cây có kích thước nhỏ, chiều cao khoảng 1 đến 1,5 mét.

Thân và cành cây đều cứng, nhiều gai cùng với lông dày.

Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng, chiều dài lá khoảng 10 đến 15cm, chiều rộng khoảng 4 đến 8cm. Các lá chia thùy nhưng không đều, mép lá có nhiều lông. Gai dài khoảng 1 đến 2cm ở gần gân của lá. Mặt dưới lá có nhiều lông.

Cụm hoa không mọc ở kẽ lá, gồm 3-4 hoa cái có màu tím hoặc màu lam, đài 5, tràng 5.

Quả có dạng hình con quay, chiều dài quả rơi vào khoảng 5 đến 8cm, đầu quả tù hoặc hơi nhọn. Ở gốc xuất hiện nhiều u bao quanh.

Hạt có màu nâu.

Mùa hoa rơi vào tháng 6 đến tháng 8. Mùa quả rơi vào tháng 9 đến tháng 10.

1.2 Thu hái và chế biến

Hình ảnh toàn cây Cà Trời
Hình ảnh toàn cây Cà Trời

Bộ phận dùng: Toàn cây.

Thời điểm thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Dùng tươi hoặc đem phơi, sấy khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Đặc điểm thực vật của cây Cà Trời
Đặc điểm thực vật của cây Cà Trời

Cà Trời phân bố gốc ở vùng nhiệt đới của Trung Mỹ, sau đó được du nhập vào các vùng nhiệt đới.

Tại nước ta, cây không rõ được trồng từ bao giờ, chỉ biết rằng, Cà Trời được trồng để làm cây cảnh vì hình thù quả đặc biệt. Khi quả già sẽ chuyển sang màu vàng đẹp mắt.

Cây Cà Trời được trồng rải rác trong các gia đình thuộc một số tỉnh như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương và Lâm Đồng.

Cây sống theo năm, là loài ưa sáng và ưa ẩm.

Tại các tỉnh phía Bắc của nước ta, cây thường được nhân dân trồng vào mùa xuân, để sau khi phát triển sẽ có quả già vào mùa hè. Tuy nhiên, tại Đà Lạt, quả già thường phải đến cuối mùa thu mới có.

Cà Trời có thể được trồng từ hạt, sau khoảng 2 đến 3 tháng sẽ bắt đầu ra hoa quả. Thời điểm quả già cũng là lúc lá rụng và cây tàn lụi.

Kinh nghiệm của nhân dân vùng Tuyên Quang, Phú Thọ đó là khi cây lụi, sẽ hái quả để bày làm cảnh, sau đó treo quả này ở gần bếp để lấy hạt đem gieo vào mùa xuân năm sau.

2 Tác dụng – Công dụng của cây Cà trời (cà vú)

Quả khi chín có màu vàng đẹp mắt
Quả khi chín có màu vàng đẹp mắt

2.1 Tác dụng dược lý

2.1.1 Tác dụng lợi niệu

Cà Trời có tác dụng lợi niệu mạnh khi được nghiên cứu trên chuột cống trắng.

2.1.2 Tác dụng diệt côn trùng, diệt động vật thân mềm

Khi tiến hành nghiên cứu trên thực nghiệm, người ta nhận thấy rằng, dịch chiết toàn phần của cây có tác dụng diệt côn trùng và các loài động vật thân mềm.

2.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

Hạt có màu nâu đen
Hạt có màu nâu đen

2.2.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Cây có vị đắng, độc.

Tác dụng: Sát khuẩn, diệt côn trùng.

2.2.2 Công dụng

Quả của cây có độc nên ít khi được sử dụng để uống.

Ở liều thấp, cây có tác dụng gây ngủ.

Người dân Hải Nam (Trung Quốc) sử dụng Cà Trời để chữa tràng nhạc.

Bên cạnh đó, cây cũng được dùng ngoài để diệt côn trùng như sâu, gián, bướm và các loài động vật thân mềm.

3 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Cà Trời, trang 305-306. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2024.

Để lại một bình luận