Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
ACID NALIDIXIC
Tên chung quốc tế: Nalidixic acid.
Mã ATC: J01MB02.
Loại thuốc: Kháng sinh nhóm quinolon.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 0,25 g; 0,5 g; 1,0 g.
Hỗn dịch uống: 0,25 g/5 ml.
2 Dược lực học
Acid Nalidixic là một kháng sinh nhóm quinolon có phổ kháng khuẩn rộng, tác dụng với hầu hết các vi khuẩn hiếu khí Gram âm như E. coli, Proteus spp., Klebsiella spp., Enterobacter spp., Salmonella spp. và Shigella spp.. Tuy nhiên, Pseudomonas aeruginosa, vi khuẩn Gram dương (Enterococcus và Staphylococcus), vi khuẩn kỵ khí không nhạy cảm với acid nalidixic.
Phần lớn các nhiễm khuẩn đường tiết niệu cấp và mạn tính do vi khuẩn đường ruột Gram âm. Vì vậy, acid nalidixic thường được dùng để trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Hoạt tính kháng khuẩn của thuốc không bị ảnh hưởng bởi pH nước tiểu.
Acid nalidixic không ảnh hưởng đến vi khuẩn kỵ khí đường ruột, đây là điều quan trọng để giữ cân bằng sinh thái vi khuẩn đường ruột. Acid nalidixic cản trở quá trình sao chép của DNA vi khuẩn bằng cách ức chế hoạt tính DNA gyrase (topoisomerase).
Kháng thuốc: Vi khuẩn kháng thuốc xảy ra nhanh, đôi khi trong vòng một vài ngày đầu điều trị, nhưng không lan truyền hay qua trung gian R-plasmid. Kháng chéo xảy ra với acid oxolinic và cinoxacin. Trực khuẩn lỵ và thương hàn kháng Cloramphenicol sulfamethoxazol/ampicilin vẫn nhạy cảm với acid nalidixic.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Acid nalidixic hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn từ Đường tiêu hóa và đạt nồng độ đỉnh 20 – 40 microgam/ml, sau khi uống 1 – 2 giờ, liều 1 g.
3.2 Chuyển hóa
Acid nalidixic chuyển hóa một phần thành acid hydroxynalidixic, có tác dụng kháng khuẩn giống acid nalidixic và ứng với khoảng 30% thuốc ở dạng hoạt tính trong máu. Khoảng 93% acid nalidixic và 63% acid hydroxynalidixic liên kết với protein huyết tương. Cả acid nalidixic và acid hydroxynalidixic chuyển hóa nhanh thành dẫn chất glucuronid và acid dicarboxylic không có hoạt tính. Chất chuyển hóa không hoạt tính chính là acid 7-carboxynalidixic thường chỉ phát hiện được trong nước tiểu. Acid nalidixic qua nhau thai và vào sữa mẹ.
3.3 Thải trừ
Nửa đời huyết tương của acid nalidixic khoảng 1 – 2,5 giờ. Acid nalidixic và các chất chuyển hóa được đào thải nhanh qua nước tiểu trong vòng 24 giờ. Trên 80% thuốc đào thải qua nước tiểu là những chất chuyển hóa không có tác dụng, nhưng nồng độ đỉnh trong nước tiểu của thuốc ở dạng không biến đổi và của chất chuyển hóa có tác dụng ở khoảng từ 150 – 200 microgam/ml, đạt được sau khi uống 3 – 4 giờ, liều 1 g. Acid hydroxynalidixic chiếm khoảng 80 – 85% hoạt tính trong nước tiểu. Khoảng 4% liều đào thải qua phân.
4 Chỉ định
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới chưa có biến chứng do vi khuẩn Gram âm, trừ Pseudomonas spp..
Acid nalidixic trước đây đã được dùng trong điều trị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do các chủng nhạy cảm Shigella sonnei, nhưng hiện nay có những thuốc kháng khuẩn khác (như các fluoroquinolon, cotrimoxazol, ampicilin, ceftriaxon) được ưa dùng hơn để điều trị nhiễm khuẩn do Shigella.
5 Chống chỉ định
Suy thận nặng, rối loạn tạo máu (thiếu máu), động kinh, tăng áp lực nội sọ, trẻ em dưới 3 tháng tuổi, mẫn cảm với acid nalidixic hoặc các quinolon khác.
6 Thận trọng
Thận trọng khi dùng trong trường hợp giảm chức năng gan, giảm chức năng thận ở mức độ vừa và thiếu enzym G6PD. Kiểm tra công thức máu, chức năng gan và thận nếu dùng thuốc liên tục trên 2 tuần. Acid nalidixic được ghi nhận gây thoái hóa các khớp vai, tay và gân Achilles hoặc các gân cơ khác ở người lớn và trẻ em dưới 18 tuổi. Cân nhắc khi sử dụng cho người bệnh dưới 18 tuổi. Dừng thuốc khi xuất hiện triệu chứng đau dây thần kinh ngoại biên, đau khớp. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hoặc đèn cực tím trong khi điều trị.
7 Thời kỳ mang thai và cho con bú
7.1 Thời kỳ mang thai
Acid nalidixic đi qua hàng rào nhau thai. Chưa có những nghiên cứu đầy đủ và được kiểm tra chặt chẽ trên người. Tuy nhiên, acid nalidixic và các hợp chất liên quan đã gây bệnh khớp ở động vật còn non. Thuốc có thể gây quái thai hoặc dị tật bẩm sinh ở động vật thử nghiệm khi cho uống liều gấp 6 lần liều dùng cho người. Vì vậy, không nên dùng acid nalidixic cho phụ nữ mang thai.
7.2 Thời kỳ cho con bú
Acid nalidixic bài tiết vào sữa mẹ, không nên dùng cho người mẹ đang trong thời kỳ cho con bú. Đã có thông báo về một trẻ bú sữa mẹ bị thiếu máu tan huyết (mà không có bằng chứng gây thiếu hụt G6PD) trong thời gian bà mẹ có uống acid nalidixic.
8 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Không có tỷ lệ chính xác về các ADR của thuốc dựa trên những thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, acid nalidixic thường dung nạp tốt và ADR thường nhẹ.
8.1 Thường gặp
Toàn thân: nhức đầu.
Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng.
Mắt: nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn màu không chuẩn.
Da: phản ứng mẫn cảm ánh sáng với sự xuất hiện các mụn nước trong trường hợp phơi nắng khi điều trị hoặc sau điều trị.
8.2 Ít gặp
TKTW: tăng áp lực nội sọ đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Da: mày đay, ngứa, cảm quang.
8.3 Hiếm gặp
TKTW: lú lẫn, ảo giác, ác mộng.
Toàn thân: phản ứng phản vệ.
Máu: giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, thiếu máu tan huyết nhất là ở người thiếu hụt G6DP.
Khác: phù mạch, đau khớp.
8.4 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Ngừng dùng thuốc nếu người bệnh có biểu hiện dị ứng, lo lắng, ảo giác, co giật. Dùng adrenalin, glucocorticoid, oxygen khi người bệnh có phản ứng phản vệ với thuốc.
9 Liều lượng và cách dùng
Người lớn: Uống 900 mg/lần, 4 lần/ngày, dùng ít nhất 7 ngày đối với nhiễm trùng cấp tính. Sau đó giảm liều xuống 600 mg, 4 lần/ ngày đối nhiễm trùng kéo dài.
Trẻ em từ 3 tháng – 11 tuổi: Uống 12,5 mg/kg, 4 lần/ngày, trong 7 ngày. Sau đó giảm liều xuống 7,5 mg/kg, 4 lần/ngày đối với nhiễm trùng kéo dài.
Trẻ em từ 12 – 17 tuổi: Liều như người lớn.
Suy thận: Tránh dùng nếu eGFR < 20 ml/phút/1,73 m2.
Khi phối hợp acid nalidixic và natri citrat, liều dùng cho người lớn là 660 mg/lần, 3 lần/ngày, trong 3 ngày.
Vì kháng thuốc có thể xảy ra nhanh, nếu điều trị bằng acid nalidixic mà không đem lại kết quả âm tính khi nuôi cấy vi khuẩn ở nước tiểu trong vòng 48 giờ, thì nên dùng một thuốc kháng khuẩn khác.
10 Tương tác thuốc
Mặc dù tác dụng kháng khuẩn của acid nalidixic không bị ảnh hưởng bởi pH nước tiểu, sử dụng đồng thời với Natri bicarbonat hoặc natri citrat có thể làm tăng nồng độ của thuốc có hoạt tính trong nước tiểu.
Nồng độ theophylin trong huyết tương tăng lên khi dùng đồng thời với acid nalidixic.
Acid nalidixic có thể làm tăng nồng độ Cafein do ảnh hưởng đến chuyển hóa của cafein.
Acid nalidixic làm tăng tác dụng của thuốc chống đông dạng uống như warfarin, một phần có thể do có sự chuyển dịch của chất chống đông ra khỏi vị trí gắn của nó trong huyết tương, có thể phải giảm liều thuốc chống đông.
Có thể có nguy cơ tăng độc tính thận khi acid nalidixic được dùng cùng với ciclosporin.
Các thuốc kháng acid dạ dày có chứa magnesi, nhôm, calci, Sucralfat và các cation hóa trị 2 hoặc 3 như Kẽm, Sắt có thể làm giảm hấp thu acid nalidixic, dẫn đến làm giảm nồng độ acid nalidixic trong nước tiểu rất nhiều do vậy nên uống thuốc trước hoặc sau các thuốc trên 2 giờ.
Probenecid làm giảm bài xuất nên tăng nồng độ acid nalidixic trong huyết tương.
Cloramphenicol, nitrofurantoin, tetracyclin làm giảm tác dụng điều trị của acid nalidixic.
11 Quá liều và xử trí
11.1 Triệu chứng
Loạn tâm thần nhiễm độc, co giật, tăng áp lực nội sọ, toan chuyển hóa, buồn nôn, nôn, và ngủ lịm có thể xảy ra.
11.2 Điều trị
Rửa dạ dày khi mới dùng thuốc. Nếu thuốc đã được hấp thu, nên truyền dịch và dùng biện pháp hỗ trợ như thở oxy và hô hấp nhân tạo. Liệu pháp chống co giật có thể được chỉ định trong trường hợp rất nặng.
Cập nhật lần cuối: 2016