Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) |
Bộ(ordo) |
Pandanales (Dứa gai) |
Họ(familia) |
Stemonaceae (Bách bộ) |
Chi(genus) |
Stemona (Bách bộ) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Stemona tuberosa L. |
Bách bộ được biết đến khá phổ biến với công dụng trị ho hiệu quả, diệt giun và côn trùng, diệt khuẩn ở ruột già, tác dụng kháng sinh đối với vi khuẩn đường ruột, bệnh lỵ, phó thương hàn. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Bách bộ.
1 Giới thiệu về cây Bách bộ
Cây Bách bộ hay còn có tên gọi khác Dây ba mươi, Củ ba mươi, Củ rận trâu, Dây đẹt ác, tên khoa học là Stemona tuberosa L., thuộc họ Bách bộ – Stemonaceae.
Dược liệu Bách bộ (rễ) trong Dược điển Việt Nam 5 có tên là Radix Stemonae tuberosae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Dây leo bằng thân quấn, thân nhỏ, mảnh, nhẵn dài 6 – 8 m hay hơn. Lá mọc đối hoặc so le, giống lá Củ nâu, phiến hình tim, có hệ gân lá ngang dày song song, gân chính hình cung chạy từ gốc lên đầu lá, dài 10 – 15cm, rộng 4 – 7cm, chóp lá nhọn kéo dài. Phiến lá có nhiều nếp nhăn ngang đặc sắc.
Cụm hoa mọc ở kẽ, nách lá, cuống dài 2 – 4 cm, mang 1 – 2 hoa to, mặt ngoài màu vàng lục nhạt, trong màu đỏ tươi. Bao hoa có 4 bộ phận dài 5cm, rộng 4mm; 4 nhị dài 4 – 5cm. Quả nang, hình trứng thuôn, chứa nhiều hạt.
Rễ chùm phình to thành củ dài khoảng 15 – 20 cm, rộng 1,5 – 2cm. Mỗi gốc có thể đến 30 củ hay hơn, có khi tới gần 100 củ.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ củ
Thu hoạch củ vào mùa xuân hoặc cuối mùa thu khi trời khô ráo, tốt nhất là khi lá bắt đầu chuyển vàng. Cắt bỏ rễ con, rửa sạch, nhúng trong nước sôi, hoặc đồ vừa chín. Loại nhỏ để nguyên, loại to bổ dọc đôi, phơi nắng hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 – 60 độ C.
Mô tả dược liệu: Rễ củ hình trụ cong queo, dài 10 – 20 cm, đường kính 1 – 2 cm. Đầu trên đôi khi còn vết tích của cổ rễ, đầu dưới thuôn nhỏ. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang thấy mô mềm vỏ khá dày, màu vàng nâu; lõi giữa màu trắng ngà.
Bào chế: Lấy Bách bộ đã khô đem rửa sạch, ủ mềm thái lát dày rồi phơi khô.
Cách làm Bách bộ tẩm mật: Lấy lát Bách bộ khô, trộn đều cùng Mật Ong và một ít nước sôi rồi ủ khoảng 30 phút cho ngấm đều. Sau đó đem sao trên lửa nhỏ cho tới khi không còn dính tay thì dừng lại, lấy ra để cho nguội. Tỷ lệ mật ong sử dụng là 12,5 kg mật ong cho 100 kg Bách bộ thái lát.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây mọc hoang trên đất có nhiều mùn trên nương rẫy, ven rừng, sườn núi, ven suối ở khắp các tỉnh miền núi và trung du (Tuyên Quang, Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai, Lâm Đồng) và cũng được trồng ở các vườn thuốc. Cây ưa ẩm, chịu bóng thường mọc xen với các loài khác. Mùa hoa vào tháng 3 – 7 và quả vào tháng 6 – 9. Cây tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt và cây chồi sau khi bị cắt hoặc sau khi khai thác rễ củ, phần gốc vùi lại vẫn có khả năng tái sinh.
Phân bố: Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang, Tuyên Quang, Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai, Lâm Đồng. Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippin.
1.4 Thành phần hóa học
Thành phần chính của rễ củ Bách bộ là các alkaloid (stemonin, tuberostemonin, isotuberostemonin, hypotuberostemonin, stemin, croomin oxytuberostemonin). Ngoài ra còn có glucid 2,3%, lipid 0,83%, protid 9,0%, acid hữu cơ (citric, malic, succinic…).
Stemona tuberosa là một loại cây có chứa nhiều alkaloid khác nhau, với 29 loại alkaloid liên quan đến 5 loại cấu trúc khác nhau đã được phân lập từ rễ củ, trong đó có 8 hợp chất mới. Một số công dụng được báo cáo của các alkaloid được tìm thấy trong Stemona tuberosa bao gồm:
- Stemona tuberosa thường được sử dụng để điều trị ho và alkaloid của nó, như stemonine và neostenine, đã được chứng minh là có đặc tính chống ho.
- Một số ancaloit được tìm thấy như stemocurtisine và stemofoline có hoạt tính diệt côn trùng và có thể hữu ích trong việc kiểm soát dịch hại.
- Alkaloid trong Stemona tuberosa đã được báo cáo là có hoạt tính kháng nấm, có thể dùng trong điều trị nhiễm nấm.
- Một số Alkaloid stenine và neostenine, đã được chứng minh là có hoạt tính chống khối u trong các nghiên cứu trên động vật.
2 Tác dụng – Công dụng của củ Bách bộ
2.1 Tác dụng của củ Bách bộ
Bách Bộ có tác dụng chữa ho nhờ có hoạt chất stemonin làm giảm tính hưng phấn của trung tâm hô hấp, ức chế phản xạ ho, cao bách bộ trị ho hiệu quả. Dịch chiết Bách bộ có tác dụng diệt giun và côn trùng, diệt khuẩn ở ruột già, tác dụng kháng sinh đối với vi khuẩn đường ruột, bệnh lỵ, phó thương hàn; ngoài ra còn có tác dụng kháng khuẩn đối với Mycobacterium tuberculosis.
2.1.1 Tác dụng chữa ho
Thành phần stemonin được chứng minh có tác dụng làm giảm hưng phấn trên trung tâm hô hấp động vật khi nghiên cứu trên động vật thí nghiệm do đó có tác dụng ức chế phản xạ ho được sử dụng để trị ho.
2.1.2 Chữa lao hạch
Khi tiến hành thí nghiệm, người ta đã nhận ra rằng, Bách bộ cho kết quả tốt trong việc chữa lao hạch.
2.1.3 Trị giun và diệt côn trùng
Khi tiến hành ngâm giun vào Dung dịch stemonin 0,15%, sau khoảng 5-10 phút, giun có dấu hiệu tê liệt.
Khi tiến hành tiêm dung dịch stemonin sulfat (3mg) vào động vật thí nghiệm là ếch có trọng lượng 25g, người ta nhận thấy rằng, ếch có dấu hiệu tê liệt, sau đó, để ếch trong khoảng 12 giờ thì ếch có dấu hiệu hồi phục.
2.1.4 Tác dụng kháng khuẩn
Bách bộ có tác dụng diệt một số loại vi khuẩn ở ruột già trong trường hợp người bệnh bị lỵ hoặc phó thương hàn.
Nước sắc Bách bộ có những công dụng bao gồm:
- Nước sắc 10-50% rễ cây có khả năng là liệt giun sau khoảng thời gian từ 8-20 giờ. Tuy nhiên, giun không có khả năng hồi phục sau khi rửa sạch thuốc.
- Nước sắc của cây có khả năng làm tan rã chất kitin, là hoạt chất bao bọc cơ thể giun.
- Khi sử dụng ở liều vừa phải, Bách Bộ không gây ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp, các hoạt động co bóp của một số cơ quan như tim, tử cung, không gây độc cho động vật thí nghiệm.
- Alcaloid chiết từ rễ, thân, lá cây đều có tác dụng long đờm khi nghiên cứu trên chuột nhắt trắng và làm liệt giun đũa ở lợn.
Rễ cây có tác dụng kháng khuẩn đối với Mycobacterium tuberculosis.
2.2 Vị thuốc Bách bộ – Công dụng theo y học cổ truyền
Tính vị, tác dụng: Củ có vị đắng, ngọt, tính hơi ấm, hơi có độc, quy vào kinh phế; có tác dụng nhuận phế, sát trùng, diệt sâu, trừ ngứa.
Công dụng: Thường dùng trị:
- Viêm khí quản, ho mới hay ho lâu ngày, lao phổi, ho gà.
- Viêm phế quản mạn tính.
- Lỵ amip.
- Bệnh giun móc, giun đũa, giun kim.
- Tình trạng ngứa ngày da, eczema, viêm da.
- Có tác dụng diệt bọ chét, rệp, chấy rận và sâu bọ, ghẻ lở, gium kim, ngứa âm hộ khi dùng ngoài.
Hướng dẫn sử dụng cao Bách bộ: Ngày dùng 4 – 12g, dạng thuốc sắc, thuốc viên hay thuốc bột, liệu trình 4 – 6 ngày.
Chữa giun: Mỗi ngày uống 7-10g ở dạng thuốc sắc. Thời điểm uống nên vào lúc sáng sớm khi bụng còn đói, uống trong 5 ngày sau đó tiến hành tẩy giun.
Diệt côn trùng: Sử dụng nước sắc Bách bộ, thêm đường, ruồi sau khi ăn phải sẽ chết. Có thể đem bột Bách bộ rắc vào hố phân để diệt giòi.
Diệt ruồi, muỗi, rận, bọ chó: Rễ cây Bách bộ đem đối, hơ khói để diệt các loại côn trùng. Có thể sử dụng nước sắc của cây để gội đầu, ngâm quần áo để diệt chấy rận.
Theo Dược điển Việt Nam 5, mỗi ngày có thể dùng 8g -12g Bách bộ dạng thuốc bột, viên, dạng cao, hay đem sắc uống,…
Dùng ngoài, củ bách bộ ngâm rượu, ngâm trong cồn, đun sôi trong nước, hoặc nấu cao để bôi, hay nghiền bột mà dùng với lượng thích hợp.
Kiêng kỵ: Không dùng Bách bộ cho người tỳ vị hư hàn.
3 Bài thuốc từ Bách bộ
3.1 Hen khí quản
Bách bộ, Tử Uyển, nhân hạt Mơ, mỗi vị 10g, Bối mẫu 6g, sắc uống.
3.2 Ho gà
Bách bộ, Hạ Khô Thảo, mỗi vị 10g, sắc uống.
3.3 Tẩy giun kim
Bách bộ nấu nước thụt.
3.4 Lao phổi
20g Bách bộ.
10g Hoàng Cầm.
10g Đơn bì.
10g Đào nhân.
Các vị đem sắc lấy nước uống, mỗi ngày một thang, một liệu trình kéo dài 3 tháng.
3.5 Chữa viêm họng mạn tính
500g Bách bộ.
Bách bộ đem đi sắc 3 lần, sau đó cô đặc.
Thêm mật ong.
Mỗi ngày uống 3 thìa canh, chia làm 3 lần.
3.6 Trị bệnh đỏ mũi
50g Bách bộ.
100ml cồn 95 độ.
Ngâm Bách bộ vào cồn trong 10 ngày.
Mỗi ngày dùng nước bôi lên mũi 3 lần, thời gian điều trị trong vòng 1 tháng.
Lưu ý: Người tỳ vị hư yếu không dùng. Dùng nhiều sẽ gây ngộ độc. Giải độc bằng nước ép Gừng tươi hoặc thêm một ít giấm ăn.
4 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Bách bộ trang 70 – 71, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bách bộ trang 82 – 83, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Bách bộ (rễ) trang 1068 – 1069, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 11 tháng 09 năm 2023.
- Tác giả Yang Xu và cộng sự (Đăng ngày 28 tháng 02 năm 2022). Alkaloids From Stemona tuberosa and Their Anti-Inflammatory Activity, PubMed. Truy cập ngày 14 tháng 02 năm 2023.
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Bách bộ trang 118-122. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2024.